Hành

Cổ xưa người ta đã coi hành là thứ thuốc tốt. Trong Đông y cho rằng, hành có tính cay ôn hòa, có tác dụng giải hàn, ôn thông dương khí, giải độc... Phần hành trắng là vị thuốc chính dùng chữa trị phong hàn cảm cúm.

Hành có nhiều tên gọi là hành hoa, hành củ, hành chăm... thường được dùng làm gia vị nấu trộn và khử tanh thức ăn. Khi dùng làm gia vị trộn lẫn, hành được cắt nhỏ hoặc đập nát để chiên xào tạo mùi thơm kích thích tiết dịch vị. Hành có thể trộn tươi, cũng có thể ép chiết thành dầu hành. Hành không chỉ là thứ thực phẩm gia vị như một thứ rau xanh mà còn là một thứ thực phẩm sức khỏe bổ dưỡng không thể thiếu trong những bữa ăn. Mùi vị hăng thơm của hành có tác dụng làm át mùi tanh, ngoài ra còn làm tăng thêm mùi vị thơm, có thể phân giải chất lòng trắng trứng thành pepton (một loại chất hữu cơ có thể kháng bệnh) nâng cao được khả năng hấp thu protein của cơ thể. Thức ăn có hành còn có tác dụng giải độc, thúc đẩy dạ dày và ruột tăng khả năng tiêu hóa thức ăn, bởi thế, hành được gọi là "thực phẩm gia vị sức khỏe".

Hành là một vị thuốc dễ kiếm, dễ sử dụng.

Chữa đau đầu, nghẹt mũi: Lấy 4-5 khía hành, 20g đậu xị nhạt, 20g gừng tươi đun sôi uống.

Người cảm mạo, tưa lưỡi dùng hành nấu canh cá chép làm món khai vị hỗ trợ bữa ăn ngon dễ tiêu.

Người đau dạ dày lấy 4 gốc hành giã nát đổ nước và chút đường đỏ đun làm nước uống, mỗi ngày uống 3 lần, uống đều trong một thời gian sẽ thấy chuyển biến.

Chữa tay chân tê dại bằng cách lấy 50g hành củ, 15g gừng, 3g hồ tiêu đun thành nước uống sẽ khỏi.

Để chữa thiếu sữa cho phụ nữ sinh con, lấy hành củ 2 cây, đương quy 10g, hoàng kỳ 15g đun lên thành nước thuốc uống.

Ngoài các phương pháp chữa trị kể trên, hành còn dùng ngoài chữa:

Đau bụng hoặc khó đi tiểu tiện thì nướng hành đắp vào rốn.

Người bị ung nhọt kiểu chuỗi ở cổ, lưng đau đớn thì lấy hành củ giã dập rồi trộn với mật ong đắp lên chỗ đau có tác dụng giải độc.

Người bị viêm mũi cấp hoặc mạn tính, trước hết dùng nước muối nhạt rửa mũi, sau đó bông que chấm nước củ hành ép lau bên trong hai lỗ mũi.

Để chữa trĩ, dùng lá hành đun sôi để nguội ngâm rửa hậu môn.

Đau viêm khớp lấy giấm chua trộn hành củ đập dập đắp.

Y học hiện đại đã chứng minh, hành ngoài chất protein, mỡ, đường các loại, vitamin các loại, chất đỏ cà rốt, axit carbonic, magiê, canxi còn có vị của tỏi, dầu thực vật, êtylen... Với những thành phần phong phú này, hành còn có thể ngăn ngừa chữa trị được các bệnh lỵ, bạch hầu, nấm, kích thích chức năng miễn dịch, nâng cao khả năng kháng bệnh trong cơ thể mỗi người. Bởi vậy, thường xuyên ăn hành làm thông hô hấp, trợ tiêu hóa. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, từ hành chiết lấy một chất đặc biệt ngăn ngừa được tế bào ung thư phát triển. Hành còn có thể làm nhuyễn phế quản, ngừa đông vón máu, ngăn ngừa tắc mạch, chống được bệnh về tim. Lâm sàng nghiên cứu khẳng định, người thường xuyên ăn hành các triệu chứng bệnh tim mạch như nghẽn mạch huyết quản, xơ vữa động mạch, bệnh van tim đều rất ít. Ngoài ra, nếu thường xuyên ăn hành sẽ ngăn ngừa được các loại bệnh đái tháo đường, viêm khớp, giảm nhẹ bệnh tăng huyết áp... Hành có nhiều tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe như thế nên bữa ăn mỗi gia đình không thể thiếu hành. Miền Nghệ An, Hà Tĩnh có loại hành tăm, củ bé như hạt ngô là loại hành có giá trị cao nhất cả trong chữa bệnh và làm thực phẩm.

Hành có giá trị nhiều mặt như vậy, nên để có hành dùng trong suốt cả năm dài, cần biết cách bảo quản. Hành thích ẩm, nhiệt độ thấp. Khi thu hoạch xong buộc thành túm, để nơi mát mẻ khô ráo, xếp lá trên, củ dưới, không được tưới nước. Về mùa đông, khi hành bị đông cứng thì đừng va đập vào nó, cứ để nguyên hiện trạng, tự nó trở lại bình thường. Chính vì thế mà tục ngữ có câu: "Hành không sợ khổ luyện, chỉ sợ va đập" là như thế.

BS. Xuân Lệ

Dược thiện cho người bị thiếu máu

Thiếu máu là một hội chứng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên, được đặc trưng bởi tình trạng giảm thiểu các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu ở các mức độ khác nhau. Khi lâm vào hội chứng này, điều đầu tiên là phải xác định cho được nguyên nhân để có biện pháp xử lý căn bản và triệt để, đồng thời cần phải tích cực điều trị triệu chứng và nuôi dưỡng hợp lý nhằm đem lại sự hồi phục nhanh chóng nhất cho người bệnh.

Cây đương quy.

Trong y học cổ truyền, thiếu máu thuộc phạm vi các chứng hư lao, huyết chứng, nội thương phát nhiệt... Tùy theo các biểu hiện bệnh lý cụ thể mà được chia thành nhiều thể bệnh như khí trệ huyết ứ, khí huyết lưỡng hư, can thận âm hư, tỳ thận dương hư và thận âm dương lưỡng hư. Về mặt trị liệu, ngoài biện pháp dùng thuốc đơn thuần theo quan điểm "biện chứng luận trị", cổ nhân còn rất chú trọng sử dụng phối hợp dược phẩm và thực phẩm để tạo thành các món ăn - bài thuốc (dược thiện) nhằm mục đích điều trị hỗ trợ và duy trì một cách tích cực. Vài ví dụ cụ thể dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này.

Bài 1: Gan lợn 100g, vỏ lụa hạt lạc 50g, gạo nếp 50g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Gan lợn làm sạch thái miếng, gạo nếp đãi kỹ ngâm qua, gừng thái chỉ, hành cắt đoạn. Cho gạo nếp và vỏ lạc vào nồi ninh thành cháo, sau đó bỏ gan lợn và gừng vào đun sôi chừng 10 phút là được, chế thêm gia vị, chia ăn nóng vài lần trong ngày. Công dụng: bổ huyết dưỡng huyết, dùng cho những trường hợp thiếu máu thuộc thể huyết hư biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt nhiều, sắc mặt, môi, móng tay và lưỡi trắng nhợt, hay hồi hộp tức ngực, kinh nguyệt lượng ít sắc nhạt hoặc bế kinh... Trong bài, gan lợn có công năng bổ can dưỡng huyết, vỏ lạc hòa vị nhuận phế, bổ huyết chỉ huyết phối hợp với gạo nếp, gừng tươi để kiện tỳ ích vị, nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa và tạo cảm giác ngon miệng.

Bài 2: Sinh hoàng kỳ 20g, đương quy 10g, đẳng sâm 20g, thịt gà 100g, gừng tươi 15g, đại táo 10 quả. Thịt gà chặt miếng, gừng giã nát, các vị thuốc rửa sạch, tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa chừng 2 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, dùng cho người thiếu máu thuộc thể khí huyết lưỡng hư biểu hiện bằng các triệu chứng như đầu choáng mắt hoa, tiếng nói nhỏ yếu, khó thở nhiều, dễ hồi hộp, hay chảy máu cam và chân răng, sắc mặt và niêm mạc nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch nhanh nhỏ. Trong bài, hoàng kỳ là vị thuốc chính có công dụng đại bổ tỳ khí và phế khí, đương quy có tác dụng bổ huyết, hai vị phối hợp với nhau giúp cho khí và huyết đều được phục hồi, thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào máu.

Bài 3: Hà thủ ô 50g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Đầu tiên, cho hà thủ ô và trứng gà vào nồi đun nhỏ lửa trong 30 phút, sau đó lấy trứng ra bóc bỏ vỏ rồi lại cho vào đun tiếp khoảng 60 - 90 phút là được, chế thêm đường đỏ, ăn trứng uống nước trong ngày. Công dụng: bổ can thận, ích tinh huyết, dùng cho người bị thiếu máu thuộc thể can thận hư, biểu hiện bằng các triệu chứng như đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lưng đau gối mỏi, giấc ngủ không sâu nhiều mộng mị, di mộng tinh, tiểu đêm nhiều lần, trí nhớ giảm sút, đại tiện táo kết hoặc khó đi... Trong bài, hà thủ ô vị ngọt đắng, tính ấm, có công dụng bổ can ích thận, tăng tinh dưỡng huyết; trứng gà vị ngọt tính bình có công dụng bổ huyết, dưỡng tâm an thần, tư âm nhuận táo. Hai vị phối hợp với nhau có đủ khả năng cải thiện hội chứng thiếu máu thuộc thể can thận hư suy. Tuy nhiên, vì trứng gà chứa nhiều cholesterol cho nên những người bị rối loạn lipid máu khi dùng bài này cần có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc chuyên khoa.

Củ đương quy.

Bài 4: Nhung hươu 5g, thịt gà 100g, gừng tươi 10g. Thịt gà làm sạch chặt miếng, nhung hươu thái phiến, gừng tươi giã nát. Cho thịt gà và gừng vào nồi ninh kỹ trong 60 phút, tiếp đó bỏ nhung hươu vào rồi đun tiếp trong 120 phút, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: bổ thận dương, ích tinh dưỡng huyết, dùng cho người thiếu máu thuộc thể tỳ thận dương hư biểu hiện bằng các triệu chứng sợ lạnh, tay chân lạnh, gân cốt suy yếu, lưng đau gối mỏi, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, hoạt tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, khó thụ thai, mệt mỏi, đầu nặng mắt hoa, tai ù, sắc mặt nhợt nhạt, có thể có phù nhẹ chi dưới, đại tiện lỏng loãng... Trong bài, nhung hươu vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng ôn thận tráng dương, ích tinh tủy, bổ khí huyết; thịt gà vị ngọt, tính ấm, có công dụng ôn trung ích khí, bổ tinh dưỡng huyết. Hai vị phối hợp với nhau có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu rất tốt. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh nhung hươu có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu và gia tăng lượng huyết sắc tố.

Bài 5: Tam thất 10g, thịt gà 150g, gừng tươi 10g. Thịt gà làm sạch chặt miếng nhỏ, tam thất thái phiến mỏng, gừng giã nát. Tất cả cho vào bát, chế đủ nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy trong 2 giờ, nêm đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: hoạt huyết, dưỡng huyết, cầm máu, dùng cho người bị thiếu máu thuộc thể khí trệ huyết ứ, biểu hiện bằng các triệu chứng sắc mặt xám nhợt, hay bị xuất huyết dưới da, dễ chảy máu chân răng, chảy máu cam, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thống kinh, kinh sắc tối và có máu cục, lưỡi có những điểm tím, toàn trạng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt... Trong bài, tam thất vị ngọt đắng, tính ấm, có công dụng hoạt huyết tán ứ, làm thông huyết mạch, trừ huyết cũ sinh huyết mới và cầm máu; thịt gà ôn trung ích khí, bổ tinh dưỡng huyết. Hai vị phối hợp với nhau tạo nên công năng hoạt huyết dưỡng huyết độc đáo của bài thuốc.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Tản mạn chuyện “tình dược” ngày xuân

Ngày xuân, không thể thiếu rượu và việc uống rượu. Ðối với người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, rượu không chỉ là một đồ uống thông dụng mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của không ít vùng miền. Tuy nhiên, rượu là thuốc và cũng là “tình dược” khi sử dụng với một lượng thích hợp.

Người xưa có câu: “Tửu vi bách dược chi trưởng” (rượu đứng đầu trăm thứ thuốc). Sách thuốc cổ cũng viết: “Tửu, thông huyết mạch, hậu tỳ vị, nhuận bì phu, tán thấp khí, hành dược thế, sát bách tà, chỉ đông thống, khước phong hàn”, nghĩa là: rượu có công dụng làm lưu thông huyết mạch, trợ giúp tỳ vị, làm da dẻ nhu nhuận, trừ phong thấp, dẫn thuốc, sát trùng, giảm đau và nâng cao năng lực chống lạnh. Về phương diện sức khỏe tình dục, người xưa vẫn thường gắn liền hai chữ “tửu” và “sắc” với nhau, điều đó phần nào nói lên công năng lợi “sắc” của rượu và rượu được gọi là “tình dược” (thuốc dùng cho tình dục). Theo dược học cổ truyền, vì có tính ấm vị cay nên rượu có tác dụng khởi dương, trợ dương, hưng dương và làm ôn thông kinh mạch rất có lợi cho sức khỏe tình dục. Đặc biệt là khi rượu được ngâm với các vị thuốc có công năng ôn thận bổ dương, tăng cường sinh lý như ba kích, nhục dung, dâm dương hoắc, tỏa dương, tiên mao, hải cẩu, ngẩu pín…

Lễ hội bia rượu và tình dục của người Ai Cập cổ.

Lễ hội bia rượu và tình dục của người Ai Cập cổ.

Rượu có xu hướng làm thoát trạng thái ức chế, làm giảm độ lo âu, bồn chồn khiến tâm trí con người có cảm giác lâng lâng dễ chịu, làm tăng mức độ tự tin và giúp vượt qua sự nhút nhát tự ti khi “động phòng”. Rượu mang tới cảm giác ấm áp, hạnh phúc và loại bỏ các ức chế trong cuộc sống, điều đó được coi như là một loại kích dục.

Ngoài ra, với một lượng nhất định rượu còn đẩy lùi tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt xuống mức thấp nhất và tăng khả năng yêu, dự phòng tình trạng xuất tinh sớm. Các chất có tác dụng chống lão hóa trong rượu vang đỏ như reveratrol còn làm tăng lượng hormon sinh dục nam, tăng lượng calci trong máu, nhờ đó mà chất lượng sinh hoạt tình dục được cải thiện.

Tuy nhiên, từ xưa đến nay, y học luôn luôn khẳng định: rượu chỉ thực sự có lợi cho sức khỏe nói chung và khả năng sinh hoạt tình dục nói riêng khi được dùng với một liều lượng thích hợp. Nếu lạm dụng với liều lớn và kéo dài, rượu sẽ làm ức chế hệ thần kinh trung ương nói riêng và các cơ quan tạng phủ khác nói chung, thậm chí có thể đưa đến mức tê liệt và vì thế năng lực tình dục cũng lâm vào trạng thái ức chế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trước hết, ở những người nghiện rượu thường lâm vào tình trạng suy giảm ham muốn tình dục, điều này có liên quan đến kích thích tình dục của cơ thể, bao gồm cả quá trình cung cấp máu cho các thể hang ở dương vật khi não bị ý niệm khiêu dâm kích thích. Hơn nữa, cơ thể không thể duy trì năng lực quan trọng cần thiết để hỗ trợ sự hấp thu oxy gia tăng trong lúc quan hệ tình dục.

Thứ đến, rượu là nguyên nhân thực thể gây liệt dương, xuất tinh sớm, xuất tinh khó, teo tinh hoàn…ở nam giới do làm giảm mức testosteron (hormon sinh dục nam có tác dụng duy trì đòi hỏi tình dục và kích thích tuyến tiền liệt, túi tinh bài xuất tinh dịch). Đồng thời, uống quá nhiều rượu một lúc hoặc nghiện rượu còn gây ức chế trung khu thần kinh, làm giảm sức khỏe trí não từ đó dẫn đến nhiều phiền toái cho đời sống tình dục.

Thêm nữa, rượu còn làm giảm độ nhạy cảm tình dục của cả nam giới và nữ giới. Nhiều đấng mày râu lạm dụng bia rượu mà không hề biết rằng thói quen xấu này có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu tinh trùng của những người đàn ông uống rượu thì thấy có đến 70% tinh trùng phát triển không bình thường do tác động của rượu cồn. Khi những tinh trùng này gặp trứng của người nữ và thụ thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai. Đứa trẻ sinh ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật và những đặc điểm bất thường về tâm sinh lý. Thậm chí nếu người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai, đứa con đó có thể bị khuyết tật về trí tuệ. Cũng không ít nghiên cứu cho thấy, rượu có thể gây vô sinh nam do không đủ về số lượng tinh dịch, số lượng và chất lượng tinh trùng dẫn đến hiện tượng khó thụ thai, vô sinh, hiếm muộn. Đó là chưa kể quan hệ tình dục khi say rượu có thể gây nên những tổn thương về tinh thần cũng như thể chất, thậm chí có thể gây chứng “thượng mã phong” và đột tử.

Ở những phụ nữ nghiện rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao sẽ gây rối loạn nội tiết thể hiện bằng sự gia tăng tỷ lệ trị số giữa nội tiết tố nam và nội tiết tố nữ. Nội tiết tố nam có tác dụng khêu gợi ham muốn tình dục, khi nội tiết tố nữ tăng còn nội tiết tố nam giảm sẽ làm suy giảm ham muốn “chăn gối”. Ngoài ra, rượu còn gây hại đối với buồng trứng khiến cho lượng và tỷ lệ nội tiết tố tình dục mất cân bằng, từ đó dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục, thậm chí gây rối loạn kinh nguyệt hoặc vô sinh. Có những nghiên cứu khảo sát trên phụ nữ nghiện rượu cho thấy, ở những nữ giới dưới 40 tuổi có tới 87% bị trục trặc về chức năng buồng trứng và dẫn đến những rối loạn tình dục và kinh nguyệt. Đó là chưa kể đến việc rượu còn làm giảm tiết dịch của âm đạo để bôi trơn trong khi quan hệ và gây khó khăn trong việc đạt được cực khoái hoặc đạt cực khoái không đầy đủ.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Những phương thuốc trị chứng tiêu chảy hiệu nghiệm

Có thể gom gọn trong 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên chứng tiết tả:

Ngoại nhân: chủ yếu Phong, Hàn, Thấp, Thử tà xâm nhiễm gây nên làm tổn thương tính thăng giáng của tỳ vị.

Nội nhân: ăn uống không điều độ, không chừng mực, bừa bãi, hoặc ăn thức sống lạnh ôi thiu, hoặc ăn quá nhiều thứ ngon béo; nhân tố nội tại như tỳ vị đã hư yếu sẵn, ăn uống không điều hòa; dương khí ở tỳ thận suy kém không vận hóa nung nấu thức ăn được.

Hàn thấp

Triệu chứng:

- Đau bụng, sôi ruột, tiêu lỏng nhiều lần toàn nước trong loãng.

- Người nặng nề, mệt mỏi, không muốn ăn.

- Ớn lạnh, sợ gió, đau mình, nhức đầu.

- Lưỡi bệu rêu trắng.

- Mạch nhu hoãn (nếu thấp nhiều), mạch trầm trì (nếu hàn nhiều).

Pháp trị:

Nếu thấp nhiều: ôn trung, phân thanh trọc, lợi thủy thấp.

Phương dược: Vị linh tán (bao gồm Bình vị tán và Ngũ linh tán): thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo, trư linh, quế chi, trạch tả, bạch truật, phục linh. Ý nghĩa: Bình vị tán (thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo) để khử thấp hòa vị; Ngũ linh tán (trư linh, quế chi, trạch tả, phục linh) để hành khí lợi thủy.

Nếu Hàn nhiều: Ôn trung khứ hàn.

Phương dược: Lý trung thang (Thương Hàn luận): đảng sâm, bạch truật, can khương, cam thảo. Ý nghĩa: can khương để ôn trung tiêu khu lý hàn; đảng sâm để bổ khí giúp vận hóa; bạch truật để kiện tỳ táo thấp; cam thảo để ích khí hòa trung.

Thấp nhiệt

Triệu chứng:

- Phát sốt, khát, uống nước nhiều, thích uống nước lạnh.

- Lợm giọng, buồn nôn.

- Đau quặn bụng từng cơn, mỗi lần đau là mỗi lần đi tiêu chảy, tiêu chảy nhiều lần.

- Phân lỏng màu vàng, hôi thối, nóng như đốt ở hậu môn.

- Tiểu tiện ít.

- Lưỡi bệu rêu vàng bẩn.

- Mạch sác.

Pháp trị: thanh nhiệt lợi thấp chỉ tả

Phương dược: Cát căn cầm liên thang gia giảm: cát căn, hoàng liên, hoàng cầm, nhân trần, kim ngân hoa, hoắc hương.

Ý nghĩa: cát căn để giải biểu thanh nhiệt, nâng khí dương của tỳ vị để chỉ tả; hoàng liên, hoàng cầm để thanh nhiệt giải độc; hoắc hương hỗ trợ cát căn để chỉ tả; nhân trần để lý khí hòa huyết chỉ thống; cam thảo để hòa trung.

Thương thực

Triệu chứng:

- Đầy bụng, đau quặn từng cơn.

- Tiêu chảy phân lỏng hoặc có hòn rất hôi thối, như mùi trứng ung, hoặc mùi thức ăn không tiêu, đi tiêu xong bụng giảm đau.

- Ợ nhiều, ợ hơi và ợ chua.

- Ngực tức không khoan khoái.

- Trung tiện luôn luôn rất thối

- Rêu lưỡi vàng cáu bẩn.

- Mạch hoạt sác.

Pháp trị: Kiện tỳ tiêu thực chỉ tả.

Phương dược: bình vị tán gia vị: thương truật, trần bì, hậu phác, cam thảo, sơn tra, thần khúc. Ý nghĩa: thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo phối hợp để trừ thấp hòa vị; thần khúc, sơn tra để tiêu thực, tác dụng chung của bài thuốc là Tiêu thực đạo trệ.

Những phương thuốc trị chứng tiêu chảy hiệu nghiệmThương truật

Tỳ vị hư hàn

Triệu chứng:

- Lạnh bụng, sôi ruột, mệt mỏi không muốn ăn.

- Đau bụng âm ỉ, tiêu lỏng nhiều lần, phân sống.

- Sắc da nhợt nhạt.

- Đoản hơi.

- Chân tay mát lạnh.

- Lưỡi bệu nhợt, rêu trắng.

- Mạch vô lực.

Phép trị: Ôn trung tán hàn, kiện tỳ, chỉ tả.

Phương dược: Hương sa lục quân gia vị: mộc hương, sa nhân, trần bì, bán hạ chế, đảng sâm, phục linh, bạch truật, chích thảo, gừng lùi, hoàng đằng. Ý nghĩa: mộc hương, sa nhân để ôn trung tán hàn; trần bì, bán hạ hóa đờm ráo thấp; gừng lùi, hoàng đằng để chỉ tả; sâm, linh, truật, thảo để kiện tỳ bổ khí.

Tỳ thận dương hư

Triệu chứng:

- Người già lớn tuổi, mệt mỏi ù tai, đau lưng mỏi gối, ngũ canh tả.

- Đau bụng, sôi ruột, tiêu nhiều lần phân sống, đi cầu xong vẫn còn đau.

- Bụng dưới đau lạnh.

- Ăn không ngon miệng, thường xuyên ớn lạnh, chân tay và người lạnh.

- Lưỡi nhợt bệu, rêu trắng nhầy.

- Mạch trầm nhược.

Phép trị: ôn bổ Tỳ Thận dương, chỉ tả.

Phương dược: Tứ thần hoàn gia vị: nhục đậu khấu, phá cố chỉ, bạch truật, can khương, ngô thù du, ngũ vị tử, đại táo. Ý nghĩa: Phá cố chỉ để bổ mệnh môn, ích thổ; nhục đậu khấu để ôn tỳ sáp trường chỉ tả; ngô thù du để ôn tỳ, tán hàn, trừ thấp; ngũ vi tử để ôn sáp; sinh khương để tán hàn hành thủy; táo để dưỡng tỳ vị.

Nếu khí hư không cầm được tiêu chảy dùng bài thuốc trên gia thêm Phụ tử lý trung thang, hoặc bài Bát vị phối hợp với Tứ quân gia vị.

Những phương thuốc trị chứng tiêu chảy hiệu nghiệmTrạch tả

Can tỳ bất hòa

Triệu chứng:

- Khi có căng thẳng hoặc tình chí thất điều là có đi tiêu chảy.

- Bụng đầy đau, sôi ruột.

- Sườn đầy tức, căng, ợ hơi, ăn kém.

- Rêu lưỡi mỏng.

- Mạch huyền.

Pháp trị: điều hòa Can tỳ, chỉ tả.

Phương dược: Thống tả yếu phương (Cảnh nhạc toàn thư): phòng phong, bạch truật, trần bì, bạch thược. Ý nghĩa: Phòng phong để sơ can tỳ: bạch thược để dưỡng huyết tả can: trần bì để lý khí tỉnh tỳ, toàn bài có tác dụng điều hòa can tỳ, chỉ tả, chỉ thống.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Những vị thuốc từ ong mật

Mật ong

Còn gọi là phong mật, vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung, nhuận phế trừ ho, nhuận tràng thông tiêu, chỉ thống giải độc, dùng để bổ dưỡng và chữa các chứng bệnh như ho, táo bón, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm loét miệng, bỏng, ngộ độc ô đầu... Một số ứng dụng thường dùng như sau:

- Ho do phế táo: mật ong 15g hòa với một lượng dầu vừng thích hợp uống hằng ngày.

- Táo bón, ho khan không có đờm: mật ong lượng vừa đủ uống với nước sôi mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Hoặc mật ong 15ml trộn với một thìa vừng đen giã nát uống với nước ấm, mỗi ngày một lần.

- Tăng huyết áp: vừng đen 50g rang thơm, giã nhỏ, hòa với 50g mật ong và chừng 200ml nước, chia uống 2 lần trong ngày.

- Viêm loét dạ dày – tá tràng: mật ong 100ml chưng cách thủy uống trước khi ăn, mỗi ngày 3 lần, dùng liên tục 2-3 tuần. Hoặc mật ong 10g, cam thảo sống 10g, trần bì 6g, nước 400ml, sắc cam thảo và trần bì với nước lấy 200ml rồi hòa mật ong chia uống 2-3 lần trong ngày.

- Viêm loét lưỡi miệng: mật ong một thìa, đại thanh diệp 15g, sắc lấy nước ngậm.

- Thiếu máu: mật ong 80g, chia uống 3 lần trong ngày.

- Nhọt độc, ung thũng: dùng mật ong trộn với hành củ giã nát đắp lên tổn thương.

- Ngộ độc ô đầu: mật ong uống nhiều lần, mỗi lần 1-4 thìa với nước ấm.

- Viêm gan: mật ong và sữa ong chúa lượng bằng nhau, uống mỗi ngày 20g, 20 ngày là một liệu trình, dùng liên tục 3 liệu trình.

- Bỏng: dùng mật ong bôi sẽ mau khỏi, mau lên da non.

- Trẻ em bị tưa lưỡi: dùng gạc sạch thấm mật ong, quấn vào ngón tay, thoa đi thoa lại miệng lưỡi nhiều lần.

vị thuốc từ ong mật

Sáp ong

Còn gọi là phong lạp, vị ngọt, hơi ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức và kích thích tiêu hóa. Sáp ong được dùng để chữa trĩ ra máu (kết hợp với nha đam tử), ung nhọt (làm viên phèn phi nấu với sáp ong để uống), chữa bỏng (làm thuốc dán), chữa viêm họng, bí tiểu tiện (dùng sáp ong đốt thành than, tán nhỏ cho trẻ uống với sữa hoặc nước cơm với liều 4g trong một ngày), chữa băng huyết (dùng sáp ong 20g tán nhỏ uống với rượu hâm nóng). Có khi phối hợp với các vị thuốc khác, ví như dùng sáp ong nướng lên, xác ve sầu bỏ miệng và chân đem sao, hai thứ lượng bằng nhau, tán riêng, rây bột mịn rồi trộn đều, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g với rượu để chữa da khô, nóng và ngứa ngáy; dùng sáp ong 10g, rễ câu đằng 20g sao vàng, bồ kết 2 quả cả hạt sao giòn, đốt xông khói qua đường tai để chữa viêm tai; dùng sáp ong và nhựa thông lượng bằng nhau nấu cho tan rồi bôi vào đầu ngón chân, ngón tay chữa chín mé...

Phấn hoa, phấn ong, hương ong

Do ong mang về, vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ cường tráng, ích khí dưỡng huyết, bổ thận điền tinh, được dùng làm thuốc bổ, nâng cao sức đề kháng cho những người bị suy nhược cơ thể, tâm tỳ hư suy, thận tinh bất túc, liệt dương, suy giảm khả năng tình dục, muộn con, đáo tháo đường, ung thư tuyến tiền liệt...

Sữa ong chúa

Còn gọi là phong nhũ, được coi là thuốc bổ dưỡng cao cấp, dùng cho người mới ốm dậy, người già yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh bị thiếu máu, ít sữa, kém ăn, mất ngủ, chữa các bệnh lý như thấp khớp, hen suyễn, sởi, tăng huyết áp, viêm gan virut, suy nhược thần kinh, liệt dương, Parkinson, nhiễm phóng xạ, tàn nhang, trứng cá, viêm da mủ, mụn nhọt...

Keo ong

Còn gọi là phong giao, là thuốc diệt khuẩn tự nhiên, làm tăng tác dụng của các thuốc kháng sinh và kích thích hệ miễn dịch. Dùng keo ong 40% tán nhỏ, trộn với dầu thực vật 60%, đun nhỏ lửa cho tan keo, để nguội, được dùng chữa các thể chàm, mụn nhọt, eczema... Keo ong cắt nhỏ cho vào 10% nước sôi để nguội, chưng cách thủy, khuấy đều bằng đũa tre cho tan keo, ngày dùng 3-4 lần, mỗi lần 30-40 giọt để chữa đau dạ dày. Ngoài ra, keo ong còn dùng dưới dạng xông hơi, viêm ngậm để điều trị các bệnh đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm phế quản...

Tầng ong

Còn gọi là phong phòng, vị mặn, tính bình, có độc, có công dụng thanh nhiệt giải độc, khứ phong tiêu thũng, sát khuẩn, được dùng để trị kinh giản, co giật, bệnh phong, nhũ ung, đinh độc, lao hạch, phong tý, trĩ, lỵ, liệt dương, mụn nhọt... Một số ứng dụng thường dùng như sau:

- Eczema: phong phòng và minh phàn lượng bằng nhau, minh phàn vi sao cho thật khô, tán nhỏ cùng với phong phòng rồi trộn với dầu vừng để làm thuốc bôi.

- Viêm loét, sưng nề lâu ngày: phong phòng sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g với rượu.

- Ngứa, viêm da: (1) phong phòng sao cháy tán bột, trộn với mỡ lợn bôi. (2) phong phòng 10g, minh phàn 10g, xà sàng tử 30g, sắc kỹ lấy nước ngâm rửa chỗ tổn thương.

- Ho lâu ngày không dứt: phong phòng sao vàng, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2-5g.

- Đau răng, viêm lợi: phong phòng 15g, tế tân 2g, nhũ hương 2g, tán bột, chấm vào tổn thương.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Chế độ ăn chữa tăng huyết ápChế độ ăn chữa tăng huyết ápBài thuốc hay từ mai ba baBài thuốc hay từ mai ba baNhững vị thuốc chữa tắc tia sữaNhững vị thuốc chữa tắc tia sữa

Bài thuốc trị bí tiểu

Thực chứng là do thấp nhiệt (viêm đường tiết niệu), ứ huyết (sỏi đường tiết niệu, sang chấn). Hư chứng là do công năng của thận bị giảm sút, không khí hóa được bàng quang hoặc do thân dịch giảm, thận âm hư, nước không xuống bàng quang để bài tiết ra ngoài. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh:

Bí tiểu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu (thấp nhiệt ở hạ tiêu): Người bệnh tiểu ít tiểu buốt rắt, khát nước, sốt, miệng đắng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch sác. Phép chữa là thanh nhiệt lợi thấp. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Bát chính tán: mộc thông, xa tiền tử, cù mạch, sơn chi tử, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; chích cam thảo 6g, đại hoàng 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: vỏ núc nác, thạch hộc, quả dành dành mỗi vị 12g; rau má 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu nặng có thể 2 thang.

Bài 3: dành dành 7 quả, tỏi 1 củ. Giã nát đắp vào rốn.

Bí tiểu do sỏi đường tiết niệu, sang chấn: Người bệnh đau vùng hạ vị dữ dội, tiểu ra máu, có khi bí tiểu. Phép chữa là hoạt huyết lợi niệu. Dùng bài “Bát chính tán” thêm kim tiền thảo 40g, tam thất 4 - 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bí tiểu do thận hư không khí hóa được bàng quang: Người bệnh đi tiểu từng giọt không hết, rặn kém, nặng hơn thì bí tiểu, sắc mặt trắng nhợt, toàn thân yếu, lưng lạnh, lưng gối mỏi, sợ lạnh, mạch trầm tế. Phép chữa là ôn bổ thận dương (bổ thận ôn dương lợi khiếu). Dùng 1 trong các bài:

Bài 1: Hương nhung hoàn: xạ hương 0,4g; lộc nhung, trầm hương mỗi vị 4g; phụ tử chế, phá cố chỉ, nhục thung dung, thục địa, đương quy mỗi vị 12g. Tán bột làm viên uống ngày 5 - 10g.

Bài 2: thục địa, hoài sơn, ngưu tất, sa tiền tử mỗi vị 12g; sơn thù, phục linh, trạch tả, đan bì, phụ tử chế mỗi vị 8g; nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu kèm tỳ hư, người mệt, thở gấp, mệt mỏi, bỏ thục địa, thêm hoàng kỳ 12g, đẳng sâm 12g, thăng ma 4g.

Bài 3: cao ban long 20g; bông mã đề, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g; nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lương y Đình Thuấn

Các bài thuốc trị sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, Đông y gọi chứng này là Ma chẩn, dịch tà phạm vào hai kinh Phế, Vị. Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2 - 3 ngày sau, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể lan dần xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân.

Bài viết này xin giới thiệu một số bài thuốc thường dùng trong từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Bài thuốc dùng cho bệnh nhi trên 36 tháng tuổi và người lớn khi cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh. Tùy theo độ tuổi mà gia giảm.

Ban sởi ở trẻ em thường nổi trên mặt, theo đường tóc và sau tai.

Thời kỳ khởi phát: Sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao, tắc mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, sưng nề mi mắt. Trên da phát ban, đó là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục nốt, mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm…).

Pháp điều trị: thấu chẩn (thúc sởi mọc), tán phong, thanh nhiệt.

Bài 1: tang diệp 5g, đạm đậu xị 5g, bạc hà 2g, liên kiều 5g, cam thảo 2g, thuyền thoái 2g, sơn chi 2g, cúc hoa 3g, lô căn 6g. Sắc uống.

Bài 2: tiền hồ 3g, kinh giới 3g, liên kiều 6g, bạc hà 3g, cúc hoa 3g, ngưu bàng tử 6g, kim ngân hoa 9g, thuyền thoái 2g, tang diệp 5g, lô căn 9g. Sắc uống.

Bài 3: thăng ma 10g, cát căn 10g, hoàng cầm 10g, cam thảo đất 6g, bạch chỉ 6g, mạch môn 6g, sài hồ 4g, kinh giới 6g, bạc hà diệp 1 nắm, gừng tươi 3 lát. Sắc uống.

Thời kỳ sởi mọc: ban mọc dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6mm. Ban mọc theo thứ tự: mọc ở sau tai, lan ra mặt, lan xuống đến ngực, tay, lan đến lưng, chân. Khi ban bắt đầu mọc, toàn thân sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân, nhiệt độ cơ thể giảm dần (hạ sốt).

Pháp điều trị: tuyên phế, thấu chẩn, giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết và dưỡng âm.

Bài 1: thuyền thoái 3g, liên kiều 10g, kinh giới tuệ 3g, tử thảo 3g, bạc hà 3g, đào nhân 3g, bối mẫu 6g, kim ngân hoa 10g, thiên hoa phấn 6g, lô căn 12g, mạch môn đông 10g, hạnh nhân 3g. Sắc uống.

Bài 2: qua lâu nhân 6g, bối mẫu 6g, sa sâm 6g, sinh thạch cao 10g, bạch mao căn 9g, tỳ bà diệp 6g, hạnh nhân 3g, tri mẫu 6g, hoàng cầm 6g, lô căn 9g. Sắc uống.

Bài 3: kim ngân hoa 6g, rễ chàm mèo 6g, rễ lau tươi 9g, cam thảo 3g, ma hoàng 2g, hạnh nhân 4g, ngưu bàng tử 2g, sinh thạch cao 12g .

Thời kỳ sởi bay: ban bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chân, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng kiểu bụi như vảy cám.

Pháp điều trị: dưỡng âm, sinh tân, thanh giải tà độc.

Bài 1: sa sâm 10g, tang diệp 3g, thạch cao 4g, lô căn tươi 15g, mạch môn đông 10g, thiên hoa phấn 10g, sinh biển đậu 10g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: sa sâm 10g, thiên hoa phấn 10g, hạnh nhân 3g, tỳ bà diệp 6g, mạch môn đông 10g, bối mẫu 4g, cam thảo 4g, địa cốt bì 6g. Sắc uống

Bài 3: huyền sâm 6g, sinh địa hoàng 6g, ma hoàng 1,5g, sơn chi tử 5g, đại thanh diệp 6g, mạch môn đông 9g, tri mẫu 6g, lô căn tươi 10g. Sắc uống.

BS. Phạm Đức Dương